Công nghệ – sức bật cho đam mê nông nghiệp
Lộc ‘đất thép’ mắn đẻ sáng chế
Say mê nghiên cứu, Phạm Thành Lộc đã cho ra đời nhiều sáng kiến ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tối ưu hóa quy trình canh tác, tăng giá trị cho nông sản Việt.
Muốn thành công phải khác biệt & bài học Vinamit
Công nghệ – sức bật cho đam mê nông nghiệp: Đầu tư nhiều, gặt hái lớn
Nhiệt Đới Farm & chuyện cải tạo công nghệ trồng rau tiên tiến
Ông ‘Minh bưởi’ và câu chuyện đam mê ứng dụng công nghệ
Hệ thống trồng rau khí canh trụ đứng Ero-fram của anh Phạm Thành Lộc (Củ Chi) được nhiều nông dân, HTX tại TP.HCM và các tỉnh thành đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm.
Hệ thống trồng rau khí canh trụ đứng Ero-fram của anh Phạm Thành Lộc (Củ Chi) được nhiều nông dân, HTX tại TP.HCM và các tỉnh thành đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm.
Sáng chế hệ thống Bioreactor đầu tiên ở Việt Nam
Chúng tôi gặp anh Phạm Thành Lộc, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Thanh Bình (Củ Chi) ngay sau khi anh được Hội Nông dân TP.HCM trao tặng Bằng khen Nông dân tiêu biểu sản xuất kinh giỏi cấp Thành phố giai đoạn 2017 – 2022 và là 1 trong 7 nông dân tiêu biểu đại diện của TP.HCM được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nghe anh kể, chúng tôi càng thêm hiểu hơn về người nông dân đặc biệt này, về niềm say mê nghiên cứu công nghệ, cũng như sự nhạy bén với thị trường và đặc biệt là cái tâm của một người làm nông nghiệp, muốn đem đến sản phẩm tốt nhất, giá trị nhất với sức khỏe con người.
Sinh ra trên vùng đất thép Củ Chi với truyền thống làm nông nghiệp bao đời của gia đình, tình yêu với nông nghiệp đã ngày một lớn dần trong chàng trai Phạm Thành Lộc từ thuở bé. Năm 1999, thi đậu 4 trường đại học, Lộc đã chọn chuyên ngành Hóa tại Đại học Khoa học tự nhiên (TP.HCM) như một lẽ tự nhiên. Không dừng lại ở đó, Lộc tiếp tục học thạc sĩ ngành “Hóa học các hợp chất thiên nhiên”, với mong muốn học thêm được nhiều kiến thức để phục vụ, hỗ trợ bà con nông dân bớt cơ cực hơn, đem lại năng suất cao hơn, sản phẩm chất lượng hơn. “Ngày ấy, nhìn cha mẹ làm nông mà mình thương vô cùng. Cực quá, trong khi đó thu nhập đem lại chẳng được bao nhiêu”, Lộc nhớ lại.
Năm 2003, những ngày đầu dò dẫm với các nghiên cứu, Lộc cùng cộng sự ngày đêm ở trong phòng thí nghiệm. “Lúc ấy, vốn không, cơ sở vật chất không, nhóm chúng tôi phải cải tạo chuồng heo của má thành phòng thí nghiệm với những trang thiết bị tự chế”, Lộc nói.
Công nghệ nuôi cấy mô Bioreactor lúc bấy giờ còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Trong khi, công nghệ nuôi cấy mô Bioreactor của Đài Loan, Nhật Bản có giá khoảng 200 – 300 triệu đồng 1 bộ, nhưng năng suất thấp. Chính những khó khăn đó, cộng với sự quyết tâm đã thôi thúc Lộc cùng cộng sự mày mò nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu lĩnh vực công nghệ sinh học trong nuôi cấy mô để sản xuất những giống cây mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Phạm Thành Lộc (áo trắng) trong phòng nuôi cấy mô.
Anh Phạm Thành Lộc (áo trắng) trong phòng nuôi cấy mô.
Sáng chế đầu tay được ra đời từ đó – hệ thống Bioreactor ngập chìm tạm thời dùng trong lĩnh vực nuôi cấy trong ống nghiệm để sản xuất hoa lan, cây cảnh, cây dược liệu. “Hệ thống Bioreactor chính là bình nuôi cấy mô ngập chìm tạm thời đầu tiên ở Việt Nam, có thể một lần chạy cho 2kg mô”, Lộc nói.
Mô hình này mang lại hiệu quả với doanh thu 120 triệu đồng/tháng, lợi nhuận hàng tháng hơn 40 triệu đồng. Chính sản phẩm đầu tay này là động lực để Lộc tiếp tục với đam mê sáng chế của mình, cũng là nền tảng đưa Lộc vào trong lĩnh vực sáng chế.
Năm 2015, Hội Sáng chế Việt Nam được thành lập và Lộc là thành viên trẻ nhất. Khi có thành công nhất định trong kỹ thuật nuôi cấy mô, Lộc mở các lớp học miễn phí, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ thuật cho các bạn trẻ, nông dân muốn học nghề. Cũng từ đây, Lộc nghiên cứu, sáng chế thêm công thức tinh dầu xua muỗi Odora và tinh dầu xua muỗi cao cấp Ylang, được Viện Chất lượng Việt Nam cấp chứng nhận “Sản phẩm chất lượng 2015 do người tiêu dùng bình chọn”. Doanh thu từ việc sản xuất tinh dầu năm 2014 đạt 100 triệu đồng, đến năm 2015 đạt 350 triệu đồng.
Với những ứng dụng công nghệ sinh học vào trong sản xuất các giống hoa, cây trồng, tháng 11/2016, Lộc là một trong 85 gương thanh niên có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới… được trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI năm 2016 do Trung ương Đoàn tổ chức. Vinh dự hơn, Lộc là một trong bốn người nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Phạm Thành Lộc với hệ thống trồng rau khí canh trụ đứng Ero-fram được giới thiệu tại một Hội chợ.
Anh Phạm Thành Lộc với hệ thống trồng rau khí canh trụ đứng Ero-fram được giới thiệu tại một Hội chợ.
Ero-farm được thiết kế một trụ tháp theo chiều thẳng đứng để tiết kiệm diện tích với 4 dòng máy phù hợp với từng nhu cầu sử dụng, gồm hình vuông, chữ nhật (từ 4 – 8 trụ); hình chữ U, I, L (cặp theo tường, theo ban công để khai thác diện tích – PV), có thể di chuyển dễ dàng.
Trung bình mỗi máy có giá từ 3 – 5 triệu đồng với đầy đủ thiết bị linh kiện trụ, ống, máy bơm, công lắp đặt; ngoài ra phân, giống đủ trong 7 tuần. Máy được thiết kế để tạo ra 243 chỗ trồng (trên diện tích hơn 1m2) hoặc lớn hơn, sau thu hoạch cho ra 15 – 30kg rau tùy loại.
Hệ thống trồng rau khí canh trụ đứng Ero-fram độc đáo
Vốn là người năng động, sáng tạo, nắm bắt thị trường, cộng với thế mạnh nghiên cứu, Phạm Thành Lộc và cộng sự đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Nắm bắt được công nghệ thủy canh, khí canh trụ đứng là công nghệ tiên tiến nhất trong nông nghiệp hiện đại, được thế giới chứng minh về hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, Lộc và cộng sự lại tiếp tục nghiên cứu cho ra đời hệ thống trồng rau khí canh trụ đứng Ero-fram.
“Ý định ban đầu khi chế tạo máy này là để bán rau sạch cho người dân thành phố trên diện tích trang trại 1.200m2. Nhưng sau đó, chúng tôi quyết định module hóa công nghệ nhỏ gọn hơn, thay đổi mô hình phổ biến công nghệ ra bên ngoài cho nhiều người cùng sử dụng mà không cần phải lo lắng đến vấn đề thời tiết, tưới tiêu, cải tạo đất”, Lộc chia sẻ.
Qua thời gian, Lộc nhận thấy, nếu khách hàng muốn làm trang trại lớn thì để hệ thống trụ đứng như vậy hơi phí, chi phí thuê đất ở TP.HCM rất cao, nên anh lại tiếp tục “đẻ” ra công nghệ khí canh trụ đứng dạng cáp treo. “Nó có thể chạy tới chạy lui, có thể đi đến các phân khu cây con, khu cây lớn, khu hái… mình tối ưu được diện tích. Lúc này hệ thống mới chính thức được hoàn thiện và tụi mình đã làm chủ được công nghệ khí canh trụ đứng này”, Lộc nói.
Với hệ thống trồng thực vật bằng công nghệ khí canh trụ đứng Ero-farm, anh đã chuyển giao công nghệ cho nhiều nông dân, người tiêu dùng và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận cấp bằng bảo hộ sáng chế đầu năm 2019.
Quy trình trồng bằng Ero-farm đơn giản, không cần làm đất, bón phân, pha chế dinh dưỡng, hoàn toàn tự động. Đầu tiên, ngâm giá thể trong nước, ươm hạt trong giá thể; cây con sau khi ươm được đặt vào từng chỗ trồng trên trụ. Mỗi hệ thống trồng được thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt, luân chuyển đều đặn và sử dụng một máy bơm tự động, hoạt động theo chu kỳ 15 phút/lần giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, đem lại lợi ích kinh tế lớn.
Điểm đặc biệt mà chúng tôi ấn tượng bởi hệ thống này của Lộc là túi dinh dưỡng, hay còn gọi là phân. “Mình muốn chế ra một loại phân bón để tiết kiệm thời gian cho người dùng. Thông thường, trồng rau công nghệ vướng ở chỗ pha phân, phải pha thường xuyên. Biết được nhu cầu của bà con là phải thiên nhiên, hữu cơ, nên chúng tôi chế ra phân hữu cơ có bổ sung khoáng chất như sắt, kẽm, canxi cùng hợp chất thiên nhiên như tinh dầu, các vitamin… có lợi cho sức khỏe. Mỗi 1 tuần chỉ mất 30 giây để pha phân, giống như trà túi lọc, mở lắp lấy cái cũ ra bỏ, rồi bỏ cái khác vào là xong”, anh Lộc hào hứng chia sẻ.
Có thể nói, Ero-farm đã đáp ứng từ nhu cầu trồng tại nhà của nhiều bà nội trợ với diện tích ban công, sân thượng khoảng 50m2 cũng có thể trồng rau cho gia đình hoặc để tăng thêm thu nhập; hoặc trồng chơi, trồng kiểng, trồng tại quán cà phê, nhà hàng, khách sạn đến mô hình kinh tế nhỏ…, nhất là khi trồng các loại cây tinh dầu, rau gia vị, các loại quả mọng như dâu cho ra sản có mùi vị đặc trưng. Không những thế, Ero-farm còn cung cấp giải pháp mới cho nhiều nông trại muốn thay đổi phương thức canh tác cho năng suất chất lượng cao hơn, chuyên nghiệp hơn, và góp phần giải bài toán phát triển nông nghiệp đô thị cho TP.HCM khi diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp.
Theo ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, với sự tiến bộ KH-CN, nhất là giai đoạn công nghệ 4.0 hiện nay, các cấp hội trên địa bàn huyện Củ Chi phối hợp với chính quyền để phổ biến thông tin tuyên truyền việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm nhân công, giảm giá thành sản phẩm, tạo năng suất, khối lượng công việc nhiều hơn, đều hơn.
Tuy nhiên, theo ông Cường, khó khăn hiện nay đối với người nông dân khi đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là vốn, nên họ còn “e dè, suy tính” về hiệu quả kinh tế trước khi có quyết định đầu tư hay không. Còn đối với những bạn trẻ như anh Phạm Thành Lộc, có niềm đam mê nông nghiệp, tự tin qua kiến thức học tập, trao đổi kinh nghiệm chia sẻ với nhau, họ sẽ mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới, trang thiết bị… Sau thời gian 3 – 5 năm hoạt động hiệu quả sẽ thu hồi vốn.
Bạn đang đọc bài viết Lộc ‘đất thép’ mắn đẻ sáng chế tại chuyên mục Thời sự Nông nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.